VINA BRAND
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Doanh nhân
  • Bài 1: Trọn đời ôm cục đất sống với nông dân

Bài 1: Trọn đời ôm cục đất sống với nông dân

Một buổi tối, tôi đi vào đường Đinh Tiên Hoàng ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Đây là con đường mới nâng cấp khi xây cầu Xô Viết Nghệ Tĩnh bắc qua rạch Cái Khế, mở thêm một ngả nối đại lộ Hùng Vương bên này với đại lộ Hòa Bình bên kia làm cho khu vực trung tâm quận Ninh Kiều thêm khang trang.

Con đường mới nâng cấp lập tức có nhiều quán nhậu, mọi khu đô thị sầm uất vốn vậy, nên có người gọi “đoạn đường ăn nhậu” như một lời tả chân vừa như một lời bình luận, rủ rê.

Theo cảm nhận của tôi, đó là nơi thích hợp với dân nhậu cóc ổi bởi ồn ào và bụi bặm. Hiển nhiên, nó không xứng với tầng lớp có tiền, với một số người sang trọng.

Hai tô bún, cách nhau hơn 10 năm

Vừa rẽ từ đại lộ Hòa Bình thì nhác thấy bên lề đường Đinh Tiên Hoàng có chiếc xe con của Nông trường Sông Hậu. Đoạn ấy có căn nhà là trạm giao dịch của Nông trường. Lướt theo lề đường, tôi thấy chị Ba Sương (Trần Ngọc Sương, Giám đốc Nông trường Sông Hậu) đang ngồi ở một quán bún riêu vỉa hè.

Tôi ghé lại chào và thấy chị đang ăn tô bún. Chị xởi lởi mời tôi cùng ăn nhưng tôi từ chối. Chị bảo: “Suốt ngày chạy lo xuất khẩu gạo, ghé vào trạm làm việc chút đỉnh rồi ngồi đây ăn tô bún để đi luôn lên Tây Nguyên trong đêm, sáng mai lo hàng xuất khẩu trên đó”.

Mười mấy năm trước, tôi đã có lần bắt gặp chị Ba Sương ngồi ăn bún một mình. Đó là năm 1992, thời điểm Nông trường bị một số người xông vào đòi đất. Tình hình căng thẳng đến mức một số cán bộ cấp trên muốn làm việc với Nông trường đã dừng lại nơi xa và nhắn chị ra để gặp. Thậm chí một vài nhà báo cũng ngồi ở trung tâm thành phố Cần Thơ rồi nhắn cán bộ của Nông trường đến để hỏi chuyện.

Đó là thời kỳ Nông trường phải vay ngân hàng 16 tỷ đồng (năm 1993) để bồi hòan cho dân nhằm ổn định đất đai và khi lãi mẹ đẻ lãi con thành món nợ hơn 60 tỷ đồng thì Nông trường mới được nhà nước trả cho vốn gốc.

Giữa lúc căng thẳng, một buổi xế trưa, tôi lách qua hàng người tụ tập ồn ào bên ngoài để đi vào Nông trường bộ. Vào đến nhà ăn rộng thênh và im ắng, thấy chị Ba Sương đang bưng một tô bún lúi húi chan nước mắm ngồi ăn một mình ở góc. Tô bún không, chan với nước mắm hình như cũng không có gia vị gì cả. Chị nói: “Từ sáng đến giờ mới ăn được miếng em ạ”. Lúc đó đã gần một giờ chiều.

Nên buổi tối gặp chị Ba Sương ăn tô bún bên vỉa hè đường Đinh Tiền Hoàng, tôi không nhìn kỹ nhưng thấy hình như tô bún riêu có thêm đĩa rau sống, không phải chan nước mắm không gia vị như buổi trưa hôm nào. Xung quanh vẫn rất ồn ào. Hồi nào ồn ào dân tụ tập đòi đất, bây giờ ồn ào dân nhậu, đủ các thành phần với biết bao nỗi niềm buồn vui, mong ước riêng tư…

Giữa hai thời điểm cách nhau hơn chục năm ấy, một buổi xế trưa và một buổi chập tối, chị Ba Sương ngồi trước tô bún vẫn dáng tất bật và vẫn một mình. Tôi chợt tự hỏi: Chị đang mong ước điều gì?

Năm 1989, lần đầu tiên tôi gặp chị, tôi hỏi chị và chị trả lời, một câu bộc bạch: “Tôi sẽ trọn đời ôm cục đất sống với nông dân”. Lúc đó, chị mới ngoài tuổi bốn mươi. Tôi nghe chị nói nhưng không muốn tin lời chị. Lời bộc bạch ấy, tôi viết vào một bài báo và chị nhận được nhiều thư ở nhiều nơi trên đất nước gửi tới.

Chị giấu hết, nhưng qua một số nguồn tin, tôi biết được. Còn biết rằng, hầu như chị không trả lời bức thư nào. Có dịp gặp chị, tôi bóng gió xa xôi là nên hồi âm với những bức thư gửi đến nhưng chị kiên quyết im lặng.

"Chị qua tuổi đó mất rồi"

Thực ra, tôi cũng ít có dịp gặp chị. Bởi chị di chuyển không ngừng. Hết Nam lại Bắc, rồi ra nước ngoài. Xuất nông sản ra các thị trường ngoài khối Đông Âu và Liên Xô (cũ) có lẽ chị là một trong những người tiên phong. Sang châu Phi tìm đường xuất khẩu gạo thì chắc chị cũng là người đầu tiên.

Thấy cà pháo muối đóng hộp bán ở nước ta dán nhãn Đài Loan, chị bảo: “Muối cà pháo thì người Việt làm mới vừa khẩu vị người Việt”. Thế là Nông trường Sông Hậu có sản phẩm cà pháo muối. Cây hành của Nông trường Sông Hậu cũng có đến gần chục sản phẩm để xuất khẩu, từ lá đến củ, từ sấy đến muối.

Một góc nông trường Sông Hậu hôm nay (trong ảnh là Nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu). Ảnh: CTV.
Nếu gọi Nông trường Sông Hậu từ khi thành lập năm 1979 đến năm 1989 là giai đọan “dựng cơ đồ từ hai bàn tay trắng”, thì từ năm 1990 trở đi là giai đoạn “hội nhập vào kinh tế thế giới”. Tất cả các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi ở Nông trường đều được chế biến để thêm giá trị gia tăng và đem xuất khẩu.

Nếu danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ nhất năm 1985 tặng cho Nông trường Sông Hậu là sự đánh giá công lao biến một vùng đất từ hoang hóa thành làng quê trù phú, thì danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ hai tặng cho Nông trường Sông Hậu năm 1999 là sự đánh giá thành tích đưa nông dân hội nhập kinh tế thế giới.

Doanh nghiệp nông nghiệp nào ở nước ta tiên phong đăng ký nhãn hiệu độc quyền ở trong và ngoài nước: Nông trường Sông Hậu với SOHAFARM. Doanh nghiệp nông nghiệp nào ở nước ta có sản phẩm xuất khẩu đa dạng bậc nhất: Nông trường Sông Hậu. Rất khó kể hết, từ các loại gạo, rau, củ, quả đến thủy sản, gà Nagoya Nhật Bản và cả hàng gia dụng trong nhà lẫn ngòai trời bằng gỗ bạch đàn.

Doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất nhiều nông sản lại có nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu bậc nhất cũng là Nông trường Sông Hậu. Doanh nghiệp nông nghiệp có sản phẩm quen thuộc với nhiều thị trường trên thế giới bậc nhất chắc chắn vẫn là Nông trường Sông Hậu.

Giữa nhiều cái nhất như thế, một ngày cuối năm 2002, tôi gặp chị Ba Sương lúc chị vừa đi nước ngoài về. Chị hào hứng kể, đã có thêm bạn hàng cho một số nông sản chế biến của Nông trường. Tôi chia sẻ niềm vui với chị, nhân lúc chị đang phấn khởi liền mạnh dạn nhắc đến những lá thư của những người tôi hoàn toàn không quen biết.

Chị im lặng! Ánh mắt đang vui vẻ, họat bát chợt trầm lắng và nhìn xuống. Rồi chị trả lời tôi, giọng nói nhỏ nhưng rõ ràng: “Thôi em ạ. Người ta đến với chị là mong có đứa con mà chị không đáp ứng được nữa. Chị qua tuổi đó mất rồi”.

Tôi giật thót người. Đến lượt tôi ngồi lặng im. Đầu óc của tôi nhói lên một ý nghĩ: "Thời gian đời người nhanh quá!".

Tổng Bí thư Đỗ Mười trong một lần về thăm Nông trường Sông Hậu. Người phụ nữ mặc áo dài tím bên phải Tổng bí thư là bà Trần Ngọc Sương. Bên trái Tổng bí thư có một người đàn ông cao gầy, chính là "Anh hùng chân đất" Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng), người khai phá, dựng lên Nông trường Sông Hậu. Ảnh: CTV.
Câu hỏi của tôi hồi nào được chị trả lời mà tôi không muốn tin đã thành sự thật: Trọn cuộc đời chị Ba Sương ôm cục đất sống với nông dân. Tôi hiểu thêm vì sao chị say sưa với đất đai như vậy. Say sưa làm cho đất đai sinh lợi ngày càng nhiều.

Gặp chị là nghe chị nói về đất đai trồng cây nọ, nuôi con kia, chế biến ra làm sao, xuất bán cho nước nào. Hết thứ nọ đến thứ kia mà tôi tâm sự với đồng nghiệp là lâu lâu mới đến Nông trường Sông Hậu là bỡ ngỡ.

Chỉ một mảnh đất phía trước Nông trường bộ mà rau trái thay đổi xoành xoạch. Chị khoe trồng thí nghiệm trước khi đưa ra cho nông dân trồng đại trà. Dịp kỷ niệm 50 năm Quốc khánh nước nhà, Nông trường tổ chức một gian hàng tại khu triển lãm Giảng Võ.

Gặp chị, chị hớn hở khoe: Các vị lãnh đạo thăm triển lãm đều ghé gian hàng của Nông trường, bà con Hà Nội mua rất đông, đang phải gọi điện về để đưa thêm hàng ra. Mới dứt lời, chị đã tất bật đi. Tôi gọi chị định hỏi thêm vài câu, chị xua tay nguây nguẩy: "Sát giờ lên máy bay rồi".