VINA BRAND
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Kinh doanh
  • Xuất khẩu gạo 2012: Thương ai trót “lỡ chuyến đò”

Xuất khẩu gạo 2012: Thương ai trót “lỡ chuyến đò”

Do không đoán định được xu thế của thị trường thế giới, các doanh nghiệp đã đồng loạt đẩy giá gạo xuất khẩu lên quá cao trong nửa cuối năm 2011 khiến khách hàng đồng loạt bỏ đi, để rồi những tháng đầu năm nay đã phải liên tiếp đại hạ giá để “dụ” khách trở lại.

Đã nên lạc quan?


Chuyển gạo xuống tàu để xuất khẩu

Những ngày đầu tháng 4 triển vọng thị trường xuất khẩu của nước ta đột ngột thay đổi khi các quan chức Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) liên tiếp đưa ra những thông tin lạc quan về một loạt những hợp đồng xuất khẩu lớn đã được ký kết.

Sau khi khối lượng gạo xuất khẩu gần như đã chạm đáy, chỉ đạt 1,087 triệu tấn trong quí 1 vừa qua, thấp kỷ lục so với cùng kỳ bốn năm trở lại đây, việc khối lượng xuất khẩu trong quí 2 này có thể tăng vọt lên 2 triệu tấn như các quan chức của VFA vừa mới khẳng định hẳn nhiên là điều hết sức đáng mừng.

Tuy nhiên, tình hình chưa hẳn đã là như vậy. Với những động thái cho tới thời điểm này, có thể suy đoán rằng, rất có thể quí 2 này giá xuất khẩu mặt hàng nông sản chiến lược này của nước ta mới chạm đáy.

Nếu quan sát hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta trong thời gian qua, không thể phủ nhận một thực tế là, khi giá gạo xuất khẩu tăng và đứng ở mức cao thì khối lượng gạo xuất khẩu giảm xuống và đứng ở mức thấp, và ngược lại (xem biểu đồ).

Chẳng hạn, quí 1 và 4/2010 giá gạo xuất khẩu đứng ở mức đỉnh 472 và 464 đô la Mỹ/tấn thì tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong hai quí rất được giá này chỉ chiếm 39,4%.

Trong khi đó, trong hai quí giữa năm giá chỉ “bèo” ở mức 429 và 385 đô la Mỹ/tấn, thì mỗi quí các doanh nghiệp đã đẩy ra thị trường thế giới trên 2 triệu tấn gạo, cho nên hai quí chiếm 60,6% tổng khối lượng xuất khẩu cả năm.

Tiếp theo, trong năm 2011, tuy kịch bản diễn ra có khác, nhưng quy luật này vẫn không thay đổi. Bởi lẽ, trong ba quí đầu năm giá chỉ sàn sàn nhau ở mức thấp là 479, 465 và 494 đô la Mỹ/tấn, thì khối lượng xuất khẩu đều dao động trên dưới 2 triệu tấn/quí, còn trong quí 4 giá cao ngất ngưởng 562 đô la Mỹ/tấn thì khối lượng xuất khẩu chỉ “hẻo” ở mức 1,234 triệu tấn.

Do vậy, nếu theo đúng “tập quán” nói trên, khi khối lượng tăng vọt từ mức đáy 1,087 triệu tấn ở quí 1 tăng vọt lên 2 triệu tấn trong quí 2 này, thì cũng sẽ là giai đoạn giá gạo xuất khẩu chìm xuống so với 487 đô la Mỹ/tấn của quí 1.

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, nguyên nhân hình thành “tập quán” không mong muốn nói trên chính là việc các doanh nghiệp đã không có chiến lược giá khôn ngoan hơn để giữ thị trường.

Hãm đà tăng giá quá trễ, rồi lại hạ giá quá sâu

Quan sát các số liệu thống kê của VFA, không khó để nhận ra rằng, giá gạo xuất khẩu nước ta tuy đã bắt đầu nhúc nhích tăng từ tháng 6/2011, nhưng tăng khá mạnh từ tháng 7-2011 và liên tục tăng cho đến cuối năm, tổng cộng đã tăng tới 118 đô la Mỹ/tấn, tức 25,4%.

Rõ ràng, việc tăng giá như vậy không khác gì chiếc phanh hãm con tàu xuất khẩu gạo. Các số liệu thống kê của VFA cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu đã giảm mạnh từ gần 700.000 tấn trong tháng 8 xuống chỉ còn 560.000 tấn trong tháng 9/2011, và tháng 1 vừa qua mới chạm đáy gần 279.000 tấn. Như vậy, có thể cho rằng, độ trễ trong tác dụng của chiếc phanh hãm giá, làm giảm tiến độ xuất khẩu ở mặt hàng gạo là khoảng ba tháng.

Sau đó, chắc chắn là khi đã bí đầu ra tới mức không thể chịu đựng được nữa thì trong thời gian qua các doanh nghiệp đã buộc phải ép giá gạo xuất khẩu xuống để kéo khách hàng trở lại với mình.

Các số liệu thống kê của một hãng thông tấn phương Tây cho thấy, giờ “G” đã được chọn là vào đầu tháng 12-2011, khi giá gạo 5% tấm của các doanh nghiệp nước ta đã được chào ở mức 520 đô la Mỹ/tấn, giảm tới 25 đô la Mỹ/tấn và giá gạo 25% tấm cũng giảm tương tự xuống 480 đô la Mỹ/tấn.

Cho dù đã liên tục giảm, nhưng tính bình quân giá gạo 5% tấm của nước ta trong tháng 12 này vẫn còn ở mức 486 đô la Mỹ/tấn, vẫn cao hơn nhiều so với của Ấn Độ và Pakistan, còn giá gạo 25% tấm cũng ở tình trạng tương tự.

Do vậy, tháng 1 năm nay là giai đoạn giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta tiếp tục được kéo xuống đến 446 đô la Mỹ/tấn để ngang bằng với giá của Ấn Độ, còn đối với gạo 25% tấm thì bước điều chỉnh này đã được tiến hành muộn hơn một tháng.

Không những vậy, tháng 3 vừa qua mới là giai đoạn các doanh nghiệp nước ta “chạy đua giảm giá” quyết liệt nhất. Bởi lẽ, trong khi giá gạo 5% tấm của Ấn Độ vẫn còn là 440 đô la Mỹ/tấn và của Pakistan thậm chí tăng lên 465 đô la Mỹ/tấn, thì của các doanh nghiệp nước ta chạm đáy chỉ với 427 đô la Mỹ/tấn, cho nên nếu không đạt kỷ lục rẻ nhất thế giới thì cũng rẻ nhất so với các đối thủ cạnh tranh chủ yếu.

Còn đối với gạo 25% tấm, với mức 377 đô la Mỹ/tấn, giá của các doanh nghiệp nước ta cũng chỉ thấp hơn chút đỉnh so với của Ấn Độ, nhưng thấp khá xa so với của Pakistan.

Như vậy, thay vì đóng vai trò của chiếc phanh hãm, với độ trễ cũng là ba tháng, vai trò nguồn động lực đẩy tốc độ xuất khẩu tăng của việc giảm giá chỉ có thể khiến khối lượng gạo xuất khẩu tăng dần trong hai tháng 2 và 3 vừa qua, nhưng bắt đầu tăng mạnh từ tháng 4 và trong hai tháng tiếp theo của quí 2 này.

Từ những động thái này, có nhiều khả năng 435 đô la Mỹ/tấn chưa phải là mức giá đáy, mà nếu logic độ trễ ba tháng không có gì bất ngờ thì mức đáy này sẽ rơi vào khoảng tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sắp tới, sau đó mới bắt đầu đi lên do giá chào xuất khẩu gạo cuối tháng 3 và nửa đầu tháng 4 này đã tăng khá mạnh so với nửa đầu tháng 3 vừa qua.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, phải chăng là do không đoán định được xu thế của thị trường thế giới, các doanh nghiệp nước ta đã đồng loạt đẩy giá gạo xuất khẩu lên quá cao trong nửa cuối năm 2011 khiến khách hàng đồng loạt bỏ đi, để rồi những tháng đầu năm nay đã phải liên tiếp đại hạ giá để “dụ” khách trở lại.

Thật tiếc cho những doanh nghiệp có thể là do không nín nhịn được, hoặc nóng vội, cho nên đã lỡ ký hợp đồng xuất khẩu ở thời đoạn giá bèo cuối tháng 2 - đầu tháng 3. Điều này chắc chắn sẽ để lại dấu ấn giá thấp vào khoảng giữa năm nay.