VINA BRAND
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Doanh nhân
  • Peter Ryder, Tổng Giám đốc Indochina Capital: Đi trước để đột phá

Peter Ryder, Tổng Giám đốc Indochina Capital: Đi trước để đột phá

Tưởng như khó có thể tồn tại sau sự đổ vỡ của quỹ đầu tư chứng khoán, nhưng Peter Ryder cùng các đồng sự tại Công ty Indochina Capital vẫn trụ vững và tiếp tục gây dựng những dự án bất động sản danh tiếng có tổng giá trị tài sản lên đến 2 tỷ USD.
 
Với không ít người, đang làm việc giữa trung tâm tài chính và thương mại của Hà Nội là quận Hoàn Kiếm mà chuyển ra quận Cầu Giấy bụi bặm thì không khác gì bỏ phố về quê. Nhưng với Peter Ryder thì khác. Dù quãng đường giữa văn phòng làm việc cũ và văn phòng mới chỉ cách nhau hơn 10 km, nhưng nó là một bước tiến dài đối với Indochina Capital và người sáng lập Peter Ryder.

Từ chỗ chật hẹp trên đường Lý Thái Tổ, Indochina Capital giờ đây đóng quân trên toàn bộ tầng 9 của Khu phức hợp sang trọng IPH đang trong quá trình hoàn thiện. Chỉ vài tháng nữa, phía dưới văn phòng của Peter Ryder sẽ là một trung tâm thương mại với những thương hiệu thời trang và ẩm thực danh tiếng và bên cạnh là 2 toà tháp căn hộ cao cấp.

Hơn 2 năm trước, khi Indochina Capital chào bán căn hộ của dự án này với giá gần 3.000 USD/m2, không ít người tỏ ra nghi ngờ về khả năng thành công, bởi lúc đó, chỉ những dự án ở trung tâm Thành phố mới có thể bán được với mức giá trên. Nhưng với kinh nghiệm của một nhà phát triển bất động sản lão luyện ở Việt Nam, Peter Ryder nhận định rằng, khu vực Mỹ Đình trong tương lai không xa sẽ trở thành một trung tâm hành chính và thương mại mới của Hà Nội và khi đó, giới nhà giàu sẽ không ngần ngại lựa chọn khu vực này để sống, nếu như có những dự án bất động sản chất lượng. Vì thế, Peter Ryder đã quyết định đi trước một bước bằng việc đầu tư 150 triệu USD cho khu phức hợp này. Dù giá bán cao ngất ngưởng, nhưng đến nay, IPH đã bán được gần 80% số căn hộ và những chủ nhân đầu tiên đã chuyển đến ở ngay kế bên văn phòng làm việc của Peter Ryder.

Người tiên phong

Peter Ryder cho rằng, muốn phát triển bất động sản thành công, trước hết phải có tầm nhìn và chấp nhận mạo hiểm. Trước khi mạo hiểm với Dự án IPH, Peter Ryder và người đồng sáng lập Indochina Capital (là Rick Mayo-Smith) cũng đã mạo hiểm, tạo ra bước đột phá với một loạt dự án bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng ở miền Trung.

Nhìn vào thành công hiện nay của Indochina Capital cũng như sự nở rộ của các dự án bất động sản du lịch khác tại miền Trung, ít ai biết rằng, những người sáng lập Indochina Capital như Peter Ryder, đã chấp nhận “đặt cược” cho sự phát triển vùng đất này trong tương lai. Khi bắt đầu khởi động xây dựng Dự án The Nam Hải cách đây 8 năm, với dự kiến phát triển một khu nghỉ dưỡng sang trọng có giá cho thuê vài trăm đô-la Mỹ mỗi đêm, không ít người nghĩ Peter Ryder hoang tưởng. Thời đó, chỉ những dự án ở Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia) mới có thể bán được với mức giá đó, còn miền Trung (Việt Nam) nói chung còn ít biết đến trên bản đồ du lịch của khách quốc tế. “Nhiều người nghĩ tôi quá tham vọng, vì còn quá sớm để xây dựng một khu nghỉ dưỡng sang trọng như vậy ở miền Trung”, Peter Ryder hồi tưởng. Nhưng giờ đây, The Nam Hải đang chứng minh không phải là một ý tưởng điên rồ. Mỗi biệt thự ở đây đang cho khách du lịch thuê với giá 500 – 600 USD/đêm, còn giá bán thì lên đến hàng triệu USD.

Lùi lại để bước tiếp

Nhưng tầm nhìn xa không phải lúc nào cũng đúng. Đầu năm 2007, nhân lúc thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ, Indochina Capital đã tạo bước đột phá bằng việc gây quỹ từ các nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư vào các công ty tại Việt Nam. Ban đầu, quy mô của quỹ dự kiến chỉ ở mức 300 - 350 triệu USD, nhưng sự hào hứng của các nhà đầu tư nước ngoài đã vượt qua mong đợi của Peter Ryder và các đồng sự, khi tổng vốn cam kết lên đến 500 triệu USD. Đến tháng 3/2007, Quỹ này  niêm yết trên sàn chứng khoán London và trở thành một trong những quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam lúc bấy giờ. Danh mục đầu tư của Quỹ là những cổ phiếu blue-chips, như FPT, Vinamilk, Bảo Việt.

Nhưng mấy ai học được chữ ngờ! Sự khởi đầu “xuôi chèo, mát mái” không có nghĩa là mọi việc sẽ suôn sẻ. Chỉ một năm sau khi niêm yết, thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam chao đảo bởi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu bắt nguồn từ sự khủng hoảng cho vay dưới chuẩn trên thị trường bất động sản Mỹ. Từ chỗ thăng hoa trên 1.100 điểm, chỉ số chứng khoán VN-Index tụt giảm thê thảm xuống mức không ai ngờ tới là 235 điểm.

Hệ quả là, cổ phiếu của các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng rớt giá thảm hại, với mức chiết khấu so với giá trị tài sản ròng lớn chưa từng có. Chớp cơ hội này, các quỹ đầu cơ trên thế giới tranh thủ mua vào cổ phiếu Indochina Capital Vietnam Holdings với mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị tài sản.

Sang năm 2009, khi thị trường chứng khoán bắt đầu hồi phục, các quỹ đầu cơ này đã ép Indochina Capital Vietnam Holdings thanh lý quỹ. Trước sức ép quá lớn của các nhà đầu tư, cuối cùng, Indochina Capital Vietnam Holdings chấp nhận thoái vốn và một trong những quỹ đầu tư lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam không còn tồn tại từ cuối năm 2009.

Peter Ryder không ngần ngại thừa nhận, việc thanh lý quỹ Indochina Capital Vietnam Holdings là một thất bại trong sự nghiệp của ông. Thậm chí, ông còn coi đó là một “bước lùi” trong công việc kinh doanh của Indochina Capital. “Đó là một thời điểm cực kỳ khó khăn đối với chúng tôi”, Peter Ryder hồi tưởng.

Nhưng thất bại đó không có nghĩa và cũng không cho phép nhà đầu tư lão luyện này suy sụp, bởi Indochina Capital còn đang điều hành 2 quỹ đầu tư bất động sản khác, là Indochina Land Holdings 1 và 2  với vốn đăng ký 307 triệu USD và các dự án bất động sản do 2 quỹ này đầu tư vẫn mang lại khoản lợi nhuận rất tốt. Vì thế, dù sự thất bại của Indochina Capital Vietnam Holdings ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Indochina Capital, nhưng chỉ một năm sau, Peter Ryder và các đồng sự vẫn tiếp tục lăn lộn ở các thị trường tài chính nước ngoài và thuyết phục thành công nhà đầu tư rót tiếp 180 triệu USD để lập quỹ đầu tư bất động sản Indochina Land Holdings 3 vào tháng 10/2010.

Nguồn vốn dồi dào từ các quỹ này đã giúp Indochina Capital hoàn thiện việc xây dựng những dự án bất động sản danh tiếng như Khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency tại Đà Nẵng và Khu phức hợp IPH tại Hà Nội giữa lúc thị trường bất động sản đóng băng và rất nhiều dự án phải ngừng xây dựng do thiếu vốn.

Mặc dù không tự nhận là người kiên nhẫn, nhưng những gì Peter Ryder đã trải qua cho thấy bản lĩnh kiên cường và sự kiên trì đến mức chịu đựng của nhà đầu tư Mỹ này. Ông từng nói, cùng đầu tư một dự án ở Việt Nam và Mỹ với 100 thủ tục, thì ở Mỹ, nhà đầu tư có thể biết trước 80 - 90% thủ tục cần làm, còn ở Việt Nam, nhà đầu tư biết trước được 15% đã là tốt. Nhưng dù có biết trước, thì các nhà đầu tư cũng phải hết sức kiên nhẫn, do mỗi nơi có cách giải quyết khác nhau và dù luật đã quy định thời gian giải quyết, nhưng hoàn thành thủ tục đầu tư cho mỗi dự án thường bị kéo dài rất nhiều.

“Lợi nhuận của các dự án bất động sản nhiều khi không như mong đợi, do việc hoàn thiện các thủ tục kéo dài, dẫn đến thời gian triển khai dự án kéo dài”, Peter Ryder phàn nàn. Nhưng dù có phàn nàn, kinh nghiệm từ việc phát triển dự án bất động sản đầu tay là Toà nhà văn phòng 63 - Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ giữa những năm 1990, thì Peter Ryder nằm lòng triết lý: “nhập gia tuỳ tục”.

Nguồn năng lượng vô tận

Bất chấp những khó khăn trên thị trường tài chính thế giới do khủng hoảng nợ công ở châu Âu cũng như những khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam, Peter Ryder vẫn kiên trì với sự nghiệp gây quỹ đầu tư vào Việt Nam. Trong hơn một năm qua, Peter Ryder tích cực vận động các nhà đầu tư rót vốn thành lập quỹ đầu tư Mekong Renewable Resources Fund chuyên về đầu tư vào các dự án thủy điện vừa và nhỏ, các dự án điện gió,  xử lý rác thải và trồng rừng, với mục tiêu là thu được 150 triệu USD. Bước đầu, Công ty Đầu tư tư nhân hải ngoại (OPIC) của Mỹ đã đồng ý đóng góp 50 triệu USD cho quỹ này.

Dù vẫn tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực tài chính - chứng khoán và trong tương lai là năng lượng tái tạo, thì bất động sản vẫn là một trụ cột kinh doanh của Indochina Capital. Giữa lúc không ít doanh nghiệp bất động sản vật lộn để tồn tại trong một thị trường trầm lắng và thiếu vốn, thì trong vòng một năm qua, Indochina Capital đã lặng lẽ mở rộng quỹ đất bằng cách mua lại và liên doanh thành lập 4 dự án mới ở TP.HCM. Tại Hà Nội, tiếp sau IPH, Indochina Capital cũng đang lên kế hoạch phát triển một dự án quy mô lớn hơn ở khu vực Mỹ Đình.

Câu chuyện với Peter Ryder đã buộc phải tạm dừng vì ông có cuộc hẹn với một đối tác muốn chuyển nhượng lại dự án. Ở độ tuổi 57, nguồn năng lượng làm việc của nhà đầu tư Mỹ này xem ra còn sung sức như mới tuổi đôi mươi.

Peter Ryder, đồng sáng lập và Tổng giám đốc Indochina Capital

Peter Ryder tốt nghiệp ngành khảo cổ học.

Năm 1983 - 1991, Giám đốc phụ trách bất động sản của Tập đoàn Salomon Brothers tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 1992, Peter Ryder cùng Rick Mayo-Smith sáng lập Indochina Capital - chuyên tư vấn đầu tư tại Việt Nam.

Năm 1999 - 2001, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam

Năm 2005, lập Quỹ đầu tư bất động sản Indochina Land Holdings 1 trị giá 42 triệu USD

Năm 2006, lập Quỹ đầu tư bất động sản Indochina Land Holdings 2 trị giá 265 triệu USD

Năm 2007, lập Quỹ Indochina Capital Vietnam Holdings trị giá 500 triệu USD và niêm yết trên thịtrường chứng khoán London, nhưng giải thể năm 2009

Năm 2010, lập Quỹ Indochina Land Holdings 3 trị giá 180 triệu USD

Các dự án bất động sản đã và đang tham gia phát triển: Toà nhà văn phòng 63 - Lý Thái Tổ (Hà Nội), Khu nghỉ dưỡng The Nam Hải và Sân golf Montgomerie Links (Quảng Nam), Khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency và Khu phức hợp Indochina Riverside Towers (Đà Nẵng), Khu phức hợp IPH (Hà Nội), Khu nghỉ dưỡng Six-senses (Côn Đảo), Khu căn hộ River Garden (TP.HCM).

Theo ĐTTC