VINA BRAND
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Nokia mất ngai

Tuần qua, trong báo cáo về thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) toàn cầu do Strategy Analytics công bố đã mang đến một thông tin mới mẻ: Nokia - gã khổng lồ về ĐTDĐ trong nhiều năm qua, đã bị đại gia Hàn Quốc là Samsung “đẩy văng” khỏi vị trí số 1 mà Nokia đã giữ suốt 14 năm qua. Không những thế, Nokia còn lỗ nặng trong khi Samsung lãi bộn.

Bảo thủ và chủ quan trên đỉnh cao

Cái chết của những đại gia hay những con tuấn mã có những điểm khác nhau. Đại gia chết vì chủ quan, bảo thủ và chậm đổi mới. Còn những con tuấn mã can trường nhiều khi chết vì kiệt sức do phải dặm trường cho chủ. Ở trường hợp Nokia, “đế chế” ngã ngựa rơi vào trường hợp thứ nhất.

Nokia đã quật ngã Motorola vào năm 1998 khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á ảnh hưởng nặng nề trên toàn cầu. Motorola cũng bị chết vì sự chậm đổi mới và bảo thủ.

Trong khi đó, Nokia thổi những làn gió mới vào thị trường ĐTDĐ với nhiều dòng máy, nhiều mẫu mã, thiết kế đẹp, dễ sử dụng và bàn phím cũng rất thân thiện, xét về độ bền cũng chẳng kém cạnh ai.

Còn nhớ khi Nokia tung ra mẫu Nokia 3210 với ăngten chìm đã tạo ra một sự cách tân lớn lao trong khi các đối thủ vẫn còn vướng víu với ăngten lồi. Rồi từ khai phá này, Nokia liên tục tung ra các mẫu máy nhỏ gọn và đẹp như Nokia 6210 làm say lòng bao người tiêu dùng.

Đỉnh cao của Nokia là vào những năm 2001-2008, có lúc họ chiếm thị phần vượt ngưỡng 40% trên toàn cầu, cùng lúc đó Motorola mất dần thị phần và đến tháng 8/2011 hãng này đã phải bán lại bộ phận Motorola Mobility cho Google với giá 12,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, cũng từ năm bùng phát cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008), nghĩa là đúng 10 năm sau khi lên ngai “đế chế”, Nokia bắt đầu rơi vào suy thoái khi họ tỏ ra thua sút ở phân khúc điện thoại thông minh (smartphone) trước sự ra đời iPhone của Apple.

Và tiếp theo đó, làn sóng smartphone chạy hệ điều hành Android đầy tươi mới và dễ sử dụng, với hệ thống mở nhiều ứng dụng, đã đẩy Nokia vào suy thoái sâu hơn. Trong cơn lao đao đó, “đế chế” Nokia đầy sĩ diện đã không chịu xoay theo thời, đổi theo thế như Samsung, mà vẫn tiếp tục ôm giữ hệ điều hành Symbian đã quá già cỗi và nghèo ứng dụng.

Mãi cho đến khi Nokia thua hoàn toàn ở phân khúc smartphone bởi iPhone và AndroidPhone thì họ mới chính thức buông Symbian. Nhưng họ lại sai lầm khi đi chọn Meego của Intel cho dòng điện thoại N9, để rồi lại thất bại và phải chuyển sang Windows Phone của Microsoft với dòng Lumia. Nhưng Windows Phone của Nokia đến giờ cũng chưa cho thấy một triển vọng rõ ràng nào trong khi sự bảo thủ và chủ quan đã chôn vùi chính họ. 

Liệu có thể thoát hiểm?

Theo Strategy Analytics, trong quý I/2012, doanh thu điện thoại nói chung của Nokia giảm tới 40%, xuống còn 5,5 tỷ USD và sản lượng giảm 24%. Nguồn thu smartphone của Nokia sụt giảm hơn phân nửa, còn 2,2 tỷ USD với việc bán ra 12 triệu thiết bị. Thay cho mức lỗ theo dự báo khoảng hơn 700 triệu USD, Nokia đã lỗ tới 1,2 tỷ USD trong quý I/2012.

Khoảng bốn năm về trước, có lúc Motorola đã từng khẳng định mạnh mẽ ở phân khúc ĐTDĐ giá rẻ. Nhưng sau đó, phân khúc này đã rơi vào tay Nokia. Trong hai năm 2010-2011, Nokia tiếp tục vượt lên ở phân khúc này.

Cụ thể, trong năm 2011, họ đã tung ra hàng loạt điện thoại 2 sim giá rẻ, đẩy các hãng điện thoại thương hiệu Việt vào thế lao đao. Tuy nhiên, chừng ấy thành công không thể giữ nổi “đế chế” trên thị trường toàn cầu, bởi ở phân khúc smartphone đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ thì Nokia cứ mỗi ngày một yếu dần.

Giá trị mỗi chiếc smartphone bằng từ 5-10 chiếc điện thoại phổ thông giá rẻ, và tỷ lệ lợi nhuận trên mỗi chiếc smartphone cũng cao hơn. Trong khi mảng smartphone đang là mảnh đất đem đến trứng vàng cho Apple, Samsung, HTC hay một phần LG, thì đối với Nokia đó lại là hiểm địa. 

Thua sút trong một quý liệu có thể khiến Nokia mãi mãi không thể gầy dựng lại “đế chế”? Thật khó trả lời câu hỏi này.

Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, ngay cả ở phân khúc điện thoại thường (mobile phone), Nokia cũng đang mất dần sức mạnh bởi sự tấn công của Samsung từ đầu năm 2012 và các hãng của Trung Quốc là ZTE hay Huawei với lợi thế giá còn rẻ hơn sản phẩm của Nokia.

Trong quý I/2012, mobile phone của Nokia bán ra cũng đã giảm tới 16%, xuống còn 70,8 triệu chiếc, giá bán bình quân chỉ còn 44 USD/chiếc đã bào mòn lợi nhuận của hãng này.

Trong cơn nguy khốn: phân khúc smartphone gần như tê liệt, lại thêm phân khúc mobile phone đang gặp đe dọa không ít, liệu Nokia có tìm được lối thoát hiểm ngoạn mục hay không?

Thật khó để có sự quay trở lại. Không ai có thể tắm trên cùng một dòng sông vì dòng nước trôi, nhưng các đại gia thì thường vẫn bị chết trên cùng một điểm “gót chân Achilles” là sự chủ quan, bảo thủ và chậm đổi mới.

Theo DNSG