VINA BRAND
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Niềm đam mê quạt công nghiệp cổ

Căn gác nhỏ của vợ chồng gã ở ngõ 67, Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) chẳng có nhiều vật dụng đáng giá, nếu không nói là quá sơ sài, nó giống như căn hộ độc thân của một gã trai lười. Căn gác hình như chỉ có chức năng làm xưởng phục chế và trưng bày quạt công nghiệp

Hiện trong nhà gã có khoảng 1.000 cái quạt công nghiệp hiệu Marelli đủ kích cỡ, kiểu dáng, từ chiếc Marelli chạy bằng chổi than đến những chiếc Marelli chạy bằng dòng điện một chiều, những chiếc Marelli khổng lồ đến như chiếc Marelli tí hon, chỉ với đường kính 13cm. Chủ nhân của những chiếc quạt - Đỗ Ngọc Long được nhiều người gọi với cái tên thân mật “Long yêu quạt xưa”.

2 tỷ chỉ để mua "đống sắt vụn"

Đó là số tiền gã đã chi cho bộ sưu tầm quạt của mình, vì là tín đồ của quạt, mà gã đã dành tất cả vốn liếng chỉ để mua quạt, đôi khi nó đơn giản chỉ là đống sắt vụn người ta bỏ đi. Mỗi khi có ai nói ở đâu có quạt cổ là gã lại lùng sục mua cho bằng được. Có những cái gã phải cất công đi lại nhà người ta hàng tháng trời để năn nỉ, chủ nhà vì sợ nhìn thấy gã mà đồng ý bán. Những bà đồng nát là bạn thân của gã, rất nhiều lần gã kiếm được những cái quạt Marelli cổ từ những người bạn đặc biệt này.

Tại sao lại là Marelli? Gã giải thích: Marelli được giới sưu tầm trong và ngoài nước săn lùng nhiều nhất bởi tính quý hiếm và độc đáo của chúng, nó không chỉ có chức năng tạo mát mà còn là đồ vật quý giá trang hoàng nhà cửa, bởi thiết kế bề ngoài rất đỗi duyên dáng, đầy tính mỹ thuật. “Qua năm tháng, kho quạt công nghiệp nhà gã đã lên tới 1.000 cái, đó chưa kể số lượng quạt mà gã đã phục chế và bán đi.

Gã hồ hởi giới thiệu hai “chiến binh” gã vô tình có được khi nhập một lô hàng từ Campuchia về Việt Nam, đó là những chiếc quạt được sản xuất vào năm 1890, khi điện mới được phát minh trên thế giới. Hai chiếc quạt chạy bằng chổi than, cánh gỗ, dây dẫn điện có vỏ được làm bằng giấy (sau này các loạt quạt có vỏ dây dẫn đều bằng nhựa). Gã khẳng định, đó là những chiếc duy nhất và lâu đời nhất trong làng quạt công nghiệp cổ ở Việt Nam.

Long cho hay, hiện có rất nhiều người nghiền quạt cổ, nó không chỉ là một đồ vật thông thường mà còn thể hiện sự sành điệu, đặc biệt trong giới trẻ. Họ không ngần ngại bỏ ra tiền triệu chỉ để phục chế chiếc quạt công nghiệp mình sưu tầm được. Gã tâm sự rất đỗi chân thành: “Bỏ ra bao nhiêu tiền bạc lẫn công sức với đam mê quạt cổ, giờ đây chính cái đam mê này lại nuôi sống tôi và gia đình. Tôi tự hào vì đã sống hết mình với cái sở thích mà mọi người ngày xưa gọi là gàn dở”.

Khởi động lại cỗ máy thời gian

Gã nói phục chế lại quạt công nghiệp cổ không khó, cái khó là tìm kiếm phụ tùng thay thế, ví như không thể lấy con ốc 4 cạnh hiện nay để lắp vào những cái quạt cổ này được, vì nguyên bản quạt xưa chỉ có ốc 2 cạnh. Gã khoe với tôi những đơn đặt hàng từ nước ngoài, có những hợp đồng phục chế quạt lên tới 5.000 USD. Những tay chơi quạt nước ngoài sau khi nhận được hàng từ tay gã đã không ngớt lời khen ngợi, họ không ngờ ở Việt Nam lại có người phục chế quạt cổ tài hoa đến vậy.

Theo gã, để phục chế một chiếc quạt công nghiệp cổ đúng nguyên bản phải đảm bảo đúng kỹ thuật, đúng kiểu dáng, chất liệu, tất nhiên một phần quan trọng là làm cho quạt khởi động được, cõ lẽ vì thế mà giới sưu tầm quạt gọi gã với cái tên: “Người làm sống lại cỗ máy thời gian”. Với người làm phục chế như gã, điều làm nên giá trị của mỗi chiếc quạt cổ không đơn thuần là độ tuổi của nó, mà quan trọng hơn là ở chất zin (độ nguyên bản) trên từng cánh quạt, lồng quạt và thân quạt. Để có được điều đó thì nhờ vào bàn tay khéo léo của người làm nên chúng, và thực sự, có tận tay chạm vào những cánh quạt do gã phục chế, cảm nhận sự mượt mà trên chúng thì mới hiểu được tại sao giới mê quạt cổ lại tín nhiệm gã đến thế!

Mê quạt từ ngày còn là cậu học sinh tiểu học, gã rất thích cái gì liên quan đến cơ khí. Và thế là trong quá trình sưu tầm, gã lao vào tìm cách để cho những cỗ máy thời gian này sống lại như cách nó đã sống hàng trăm năm trước. Rồi gã cũng tìm ra cách để đưa những đống sắt vụn trở về với nguyên bản của nó. Từ đấy mọi người biết đến gã nhiều hơn. Gã là dân xây dựng đi theo công trường quanh năm, nhưng ở công trường chỉ toàn những cuộc gọi hỏi thăm về quạt cổ và nhờ gã phục chế lại nguyên bản chiếc quạt của họ. Cứ như vậy, nhiều tháng trời gã quyết định nghỉ hẳn việc ở nhà chuyên sửa quạt, thế là từ một kiến trúc sư gã trở thành thợ sửa chữa quạt. Thế mà quanh năm không hết việc. Nhưng mỗi khi gã phục chế xong một chiếc quạt thì cảm giác hạnh phúc vô cùng, nhất là khi được các chủ nhân của nó tấm tắc khen và trả công một cách hậu hĩnh.

Gã đang ấp ủ trong tương lai gần sẽ mở một bảo tàng chuyên về quạt cổ để những người yêu mến quạt công nghiệp cổ có cơ hội chiêm ngưỡng. Theo gã, lịch sử cây quạt nói chung và quạt Marelli ở Việt Nam cũng thăng trầm như đời người vậy. Quạt được ra đời vào cuối thế kỉ 18 nhưng đến năm 1902 mới ồ ạt vào nước ta khi nhà máy điện Yên Phụ được xây dựng. Những cây quạt này được người Pháp chở sang treo hàng loạt tại các dinh thự, biệt thự Pháp cổ để làm dịu đi cái nóng như rang của miền nhiệt đới. Tìm hiểu rõ xuất xứ từng cây quạt cũng hiểu thêm phần nào lịch sử, văn hóa của Hà Nội.