VINA BRAND
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Marketing
  • Cuộc chiến dai dẳng giữa Coca và Pepsi

Cuộc chiến dai dẳng giữa Coca và Pepsi

Hai công ty đều có nhiều chiến thuật phát triển thương hiệu của mình và làm lu mờ đối thủ.

Cuộc chiến giữa Coca và Pepsi còn được nhắc đến dưới cái tên “chiến tranh Cola”, chỉ việc cạnh tranh giữa 2 hãng nước ngọt cùng dùng cola làm hương vị chính. Sự đấu đá giữa 2 nhà khổng lồ này đã diễn ra hơn một thế kỷ và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

 

Câu chuyện được bắt đầu vào năm 1886 khi một người đàn ông tên John S. Pemberton phát hiện ra công thức loại nước soda đầu tiên và đặt tên công ty là Coke (Coca Cola). 13 năm sau đó, đối thủ chính của Coca xuất hiện khi một dược sĩ tên Caleb Bradham tạo ra công thức của Pepsi Cola.

Khi Coca bắt đầu xây dựng nhà máy ở nước ngoài tại Paris, Bordeaux và các thành phố châu Âu khác (năm 1919), thì Pepsi tuyên bố phá sản vào năm 1923 do những hạn chế trong việc phân phối đường dưới thời thế chiến thứ nhất.

Năm 1928, Pepsi Cola được Tập đoàn Craven Holdings có trụ sở tại bang Virginia (Mỹ) mua lại. Tuy nhiên, đến năm 1931, Pepsi lại một lần nữa bị phá sản và được bán lại cho chủ tịch của một chuỗi cửa hàng bánh kẹo, ông Charles G.Guth.

Trong khi đó, Coca liên tục mở rộng thị trường sang Australia, Áo và Nam Phi. Mãi đến năm 1938, sau khi Walter S.Mack đảm đương vị trí chủ tịch, Pepsi mới chính thức vươn mình, dần dần trở thành đối thủ chính của Coca.

Để đuổi kịp Coca, Pepsi không ngại bỏ tiền thuê những ngôi sao điện ảnh, thể thao và những người nổi tiếng để làm đại diện thương hiệu cho mình. Các quảng cáo của Pepsi thường xoay quanh chủ đề chọn lựa của các ngôi sao giữa Pepsi và Coca, mà Pepsi luôn được lựa chọn, với slogan: “Sự chọn lựa của thế hệ mới”. Pepsi từng nổi tiếng bằng việc đưa hình ảnh Phó tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Thủ tướng Nga Khrushchev cùng uống Pepsi lên các mặt báo.

Trong khi Coca luôn nhấn mạnh đến thức uống, thì Pepsi nhấn mạnh lên người dùng thức uống. Từ năm 1950, Pepsi thay đổi chiến lược tiếp thị từ “giá trị sản phẩm” sang “phong cách sống”, giao cho diễn viên điện ảnh Joan Crawford phụ trách. Pepsi là công ty đầu tiên áp dụng chiến lược tiếp thị này và cũng là công ty có chiến dịch tiếp thị theo kiểu phong cách sống kéo dài nhất.

Không chỉ cạnh tranh bằng những người nổi tiếng, Coca và Pepsi luôn cạnh tranh từng chút một trong các loại sản phẩm. Hễ hãng này ra một loại hương vị mới thì hãng kia chẳng bao lâu cũng cho ra lò một dòng sản phẩm có hương vị tương tự.

Coca-Cola và Pepsi cũng dấn bước vào một cuộc chiến tranh trên không gian ảo với sự xuất hiện của trang Pepsi Stuff (thuộc Pepsi) năm 2005 và Coca-Cola trả đũa bằng việc mở trang Coke Rewards. Cả 2 chương trình này đều trao phần thưởng cho các khách hàng thu thập được nhiều nút chai hoặc vỏ lon, sau đó đổi thành điểm để nhận quà.

Với điểm tích lũy, khách hàng của cả Pepsi và Coca có thể đổi lại những sản phẩm hoặc quà “ảo” như việc download các bản nhạc mp3. Cả Coca-Cola và Pepsi đều có cổ phần trong trang bán nhạc trực tuyến iTunes Store. Dù vậy, cuộc chiến trên mạng này kết thúc bằng thất bại của Pepsi khi hãng này đóng cửa dịch vụ Pepsi Stuff, trong khi Coca cho đến nay vẫn duy trì các giải thưởng trên Coke Rewards.

Năm 1985, 2 đối thủ truyền kiếp Coca-Cola và Pepsi bắt đầu triển khai những chiến dịch tranh giành nhau ngoài không gian vũ trụ. Họ thiết kế những thùng nước ngọt đặc biệt để gửi theo phi hành đoàn của tàu vũ trụ Space Shuttle Challenger và STS-51-F nhằm thử nghiệm công nghệ đóng gói và phân phối trong tình trạng không trọng lực. Tuy nhiên, các chương trình không gian của cả 2 công ty đều bị đánh giá là thất bại. Nó chỉ được nhắc đến như bằng chứng về sự đấu đá kịch liệt của 2 đại gia nước ngọt.

Dù có nhiều nỗ lực, đến nay Pepsi vẫn bị xếp sau Coca trên thị trường nước giải khát toàn cầu. Tính đến năm 2010, nước giải khát loại Pepsi Cola vẫn xếp thứ 3, sau 2 loại nước giải khác của Coca là Coca Cola và Diet Coke. Cụ thể, Coca Cola bán được 1,6 tỷ thùng, Diet Coke bán được 927 triệu thùng, trong khi Pepsi Cola chỉ bán được 892 triệu thùng.

Dưới ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - tài chính từ 2008, cả hai “đại gia” ngành nước giải khát buộc phải tiến hành nhiều biện pháp khác như cắt giảm chi phí, mua lại cổ phần, tăng cổ tức và đầu tư vào tiếp thị để phát triển và vực dậy giá cổ phiếu.

Theo DNSG