VINA BRAND
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Lobby: Ngành công nghiệp tỷ đô ở Hoa Kỳ

Chủ tịch Liên đoàn các nhà lobby Hoa Kỳ (ALL) Paul Miller từng tự hào khoe: "Không có chúng tôi, chắc không có điều luật nào ở Hoa Kỳ được thông qua".

Trong tháng 5 này, một nhân vật "sừng sỏ" trong ngành công nghiệp lobby toàn cầu sẽ đến thăm Việt Nam. Đó là TS. Bob Livingston, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ đời thứ 106.

Nhân chuyến thăm của ông Livingston, xin giới thiệu vài nét về ngành công nghiệp từng mang lại khoảng 38 tỷ USD cho nền kinh tế Hoa Kỳ trong năm 2011.

Trong sự vận động của nền kinh tế, người ta biết đến thuyết "bàn tay vô hình" của Adam Smith. Nhưng đối với các quyết sách kinh tế, giới doanh nghiệp lại biết đến sự chi phối của một "bàn tay vô hình" khác, đó chính là lobby. Chủ tịch Liên đoàn các nhà lobby Hoa Kỳ (ALL) Paul Miller từng tự hào khoe: "Không có chúng tôi, chắc không có điều luật nào ở Hoa Kỳ được thông qua".

Nghề hợp pháp

Ở một khía cạnh nào đó, những kiểu "chạy" giấy phép, "chạy" dự án của các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem là một phần của hoạt động lobby. Trong khi ở Việt Nam hoạt động này bị xem là bất hợp pháp, thì tại các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Anh... lobby là một nghề được luật pháp công nhận.

Lobby được hiểu nôm na là "vận động hành lang" nhằm tác động lên quá trình ra quyết sách về một vấn đề kinh tế, chính trị hoặc xã hội. Theo đó, lobby là một hành động góp phần làm gia tăng dân chủ, giúp tiếng nói của người dân và doanh nghiệp được giới quan chức lắng nghe kỹ càng hơn.

Chính vì vậy, tại Hoa Kỳ nghề này được bảo hộ và điều chỉnh bởi Đạo luật Công khai lobby (Lobbying Disclosure Act 1995 - LDA), Bộ luật về ngân sách liên bang (Internal Revenue Code - IRC) và Đạo luật Đăng ký đại diện cho nước ngoài (Foreign Agents Registration Act - FARA).

Vì được sự bảo hộ của luật pháp, nghề lobby tại Hoa Kỳ phát triển rất mạnh. Theo thống kê, có khoảng 13.700 lobbyist (người làm nghề lobby) và khoảng 300 công ty lobby có đăng ký kinh doanh (năm 2009).

Ước tính lương căn bản của nghề lobby khoảng 47.983 USD/năm, trong đó hơn 10% kiếm nhiều hơn 100.000USD/năm.

Nghề lobby tại Hoa Kỳ phát triển mạnh, do nước này là đối tác kinh tế - chính trị quan trọng hàng đầu của hầu hết các nước trên thế giới, nguồn ngân sách từ Washington cũng vô cùng "béo bở" đối với các doanh nghiệp.

Tương tự, từ khi được chọn làm nơi đặt trụ sở của của Liên minh châu Âu (EU), Brussels (Bỉ) đã trở thành "miền đất hứa" của ngành công nghiệp lobby.

Thống kê cho biết có khoảng 3.000 hãng lobby các loại (văn phòng giao tế nhân sự, đại diện của các doanh nghiệp, liên đoàn nghề nghiệp...) với số nhân viên khoảng 15.000 người tập trung ở Brussels. Số lobbyist ở thành phố này tương đương với số nhân viên của EU.

Việt Nam có thể vì không tham gia hoạt động lobby nên đã bị thiệt hại nặng nề trong vụ kiện chống phá giá cá basa của các doanh nghiệp Hoa Kỳ hồi đầu những năm 2000.

Lợi nhuận khủng từ các công ty lobby

Cùng với sự nở rộ của hoạt động lobby tại Hoa Kỳ và EU, bất kỳ một doanh nghiệp, một nước xuất khẩu nào muốn làm ăn với 2 đối tác này đều không thể bỏ qua kênh lobby.

"Làm ăn với Hoa Kỳ phải biết lobby vì đó là thế chính trị mà người Hoa Kỳ thường vận dụng tối đa để tranh thủ quyền lợi kinh tế thương mại khi giao dịch với nhau và với người nước ngoài" - Hãng tin BBC (Anh) từng nhận định.

Tính đến năm 2004, tất cả các nước ASEAN (trừ Việt Nam và Lào) đều có ngân sách chi cho hoạt động lobby ở Hoa Kỳ.

"Lobby ở Hoa Kỳ là một vấn đề mà nếu không biết lo xa tất sẽ có buồn gần" - BBC nhận xét. Microsoft có thể là một thí dụ điển hình. Trong những năm 1990, nhà khổng lồ phần mềm này từng kiên quyết "nói không" với hoạt động lobby vì quá tự tin vào sức mạnh của họ.

Kết quả: Microsoft từng sính vính vì những cuộc điều tra chống độc quyền ở cả Hoa Kỳ và EU, chịu phạt hàng triệu USD. Ngược lại là hình ảnh Google phát triển nhanh như vũ bão vì đã "chi đậm" cho lobby.

Một cuộc điều tra của tạp chí BusinessWeek tiến hành đối với hơn 2.000 khoản phân bổ ngân sách đặc biệt của Chính phủ Hoa Kỳ trong năm 2005 đã hé lộ phần nào những lợi ích của hoạt động lobby. Theo đó, bình quân các công ty thu về khoảng 28USD tính trên mỗi USD bỏ ra cho hoạt động lobby.

Như vậy, xét về tỷ suất lợi nhuận, đầu tư cho lobby sinh lời nhanh hơn nhiều so với hoạt động kinh doanh của các công ty, vì ước tính các công ty thuộc chỉ số Standard & Poor 500 của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ chỉ thu được 17,52USD tính trên 1USD tiền vốn bỏ ra trong năm 2006. Chi cho lobby cũng được tin là hiệu quả hơn hẳn cho các hoạt động merketing trực tiếp.

Ước tính, cứ 1USD bỏ ra cho marketing trực tiếp, công ty chỉ thu về được 5USD. Đó là chưa kể có những công ty biết lobby "đúng người, đúng chỗ" hiệu quả còn cao hơn, thường là 100USD trên 1USD bỏ ra. Thí dụ trường hợp của nhà chế tạo máy bay Boeing.

Năm 2005, tập đoàn này được Chính phủ Hoa Kỳ cấp tổng cộng 456 triệu USD từ 29 khoản phân bổ ngân sách đặc biệt, trong khi chỉ chi chi 8,5 triệu USD vào việc lobby.

Đó là chưa kể tập đoàn này ký được tới 28 tỷ USD hợp đồng với Chính phủ Hoa Kỳ trong cùng năm. Một thí dụ khác, năm 2004 Công ty Scientific Research chi vỏn vẹn 60.000USD vào lobby, nhưng đến năm tài chính 2005 họ đã giành được các hợp đồng với tổng trị giá lên tới 20 triệu USD. Như vậy, với 1USD bỏ ra cho lobby, Scientific Research thu về tới 344USD.

Chính vì lợi ích khổng lồ do hoạt động lobby mang lại, các công ty đang ngày càng chi đậm hơn cho ngành công nghiệp này. Trong giai đoạn từ năm 1998-2010, tổng số tiền 13 ngành kinh doanh chi nhiều nhất cho lobby tại Hoa Kỳ là 29.000 tỷ USD, nhưng giới chuyên môn dự báo con số này có thể tăng mạnh trong thời gian tới. 

 

Theo DNSG